Tìm hiểu về các trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản

Mục lục bài viết

    Nhật Bản là một đất nước có văn hoá đa dạng và độc đáo, được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau như ẩm thực, thời trang, nghệ thuật, văn hóa... Trong đó, các trò chơi dân gian là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và văn hóa tại đất nước này. Hàng trăm năm qua, những trò chơi này đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và vẫn còn phổ biến cho đến tận ngày nay. Trong bài viết này, hãy cùng Phuong Nam Education tìm hiểu về những trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản nhé.

    Trò chơi tung bóng Kendama

    Kendama (けん玉) là trò chơi được cho là có xuất xứ từ Pháp và du nhập vào Nhật Bản năm những năm 1777. Hiện nay, Kendama là trò chơi thịnh hành không chỉ ở Nhật Bản mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới. Tại Nhật Bản, có một hiệp hội gọi là “Hiệp hội Kendama Nhật”, tại đây thường tổ chức các cuộc thi đấu kỹ năng và chấm điểm cho trò chơi tung bóng Kendama này. Chắc hẳn là trò chơi này không xa lạ gì đối với những bạn đã xem qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng Doraemon. Điều đặc biệt của trò chơi tung bóng Kendama là không phân biệt trai gái và tuổi tác.

    Kendama - Trò chơi thịnh hành trên toàn thế giới

    Kendama - Trò chơi thịnh hành trên toàn thế giới

    Kendama là trò chơi được biến thể từ trò bắt bóng bằng cốc nổi tiếng. Sau khi trải qua nhiều đợt cải biến thì hiện nay Kendama có hình dáng đặc trưng như một chiếc búa với 7 bộ phận chính bao gồm:

    • Ba chiếc cốc để bắt bóng: cốc nhỏ bên trái được gọi là Kozara (小皿), cốc lớn bên phải gọi là Ōzara (大皿) và cốc ở dưới đáy là Chuzara (中皿).
    • Thân búa (剣 - ken).
    • Dây nối cố định bóng với thân búa (糸- Ito).
    • Bóng (玉 - Tama).
    • Phần đỉnh nhọn đầu búa (剣先 - ken-saki).

    Trò chơi tung bóng Kendama là một trò chơi vận động nhẹ nhàng, giúp rèn luyện sự tập trung cũng như giúp các khớp tay khéo léo và linh hoạt hơn. Có thể nói, Kendama đã trở thành trò chơi gắn liền với tuổi thơ cũng như với cuộc sống hàng ngày đối với người dân Nhật Bản.

    Trò chơi đánh cầu Hanetsuki

    Hanetsuki (羽根つき) là một trong những trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản và được chơi vào dịp tết hàng năm. Trò chơi này có nguồn gốc từ thời Heian và sau đó đã được phổ biến rộng rãi cho đến ngày nay. 

    Về cơ bản, trò chơi đánh cầu Hanetsuki có cách chơi tương tự như cầu lông, tuy nhiên không sử dụng vợt lưới mà sử dụng vợt gỗ có hình dạng giống mái chèo được gọi là Hagoita (羽子板). Nét đặc trưng của những chiếc vợt này là được trang trí với màu sắc sặc sỡ và có in hình các nhân vật Kabuki (歌舞伎 - một loại hình sân khấu truyền thống của người Nhật). Cách chơi rất đơn giản, người chơi ở hai bên sẽ phải liên tiếp truyền quả cầu (được làm từ hạt bồ hòn Hane có gắn lông chim) cho nhau và giữ chúng không rơi xuống đất. Người nào để quả cầu Hane chạm xuống mặt đất trước sẽ coi như thua và bị quẹt mực tàu vào mặt. Đây là lúc vui nhộn và náo nhiệt nhất của trò chơi khi cả người thắng, kẻ thua đều cười sảng khoái.

    Hanetsuki - Trò chơi mang đậm nét văn hóa Nhật Bản

    Hanetsuki - Trò chơi mang đậm nét văn hóa Nhật Bản

    Trò chơi đánh cầu Hanetsuki luôn là một trong những hoạt động độc đáo vào đầu năm mới và cũng được coi như là một cách để đánh bay những điềm xấu trong một năm và cầu cho sự may mắn và phát triển khỏe mạnh của những đứa trẻ. Việc người thua bị vẽ mực tàu lên mặt cũng được cho là một dấu hiệu của việc trừ tà.

    Trò chơi Karuta

    Karuta (かるた) là trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản, có dạng bài lá được du nhập vào Nhật Bản từ giữa thế kỷ 16. Karuta ban đầu được lấy cảm hứng từ Kai-Awase (貝合わせ), một trò chơi có nguồn gốc từ thời Heian. Trên các vỏ sò có vẽ những hình ảnh được lấy từ các bức họa trong tập “Truyện cổ Genji”. Người chơi có nhiệm vụ là tìm ra các cặp vỏ sò có hình ảnh tương ứng với nhau.

    Về hình thức, bài Karuta thường có dạng chữ nhật và có kích thước bằng lòng bàn tay. Mặt trên của các lá bài được ghi những câu thơ, tục ngữ hoặc được vẽ nhiều hình ảnh đầy màu sắc và độc đáo như hoa lá, động vật, người Nhật thời xưa,...

    Karuta - Những lá bài cổ mang nhiều ý nghĩa khác nhau

    Karuta - Những lá bài cổ mang nhiều ý nghĩa khác nhau

    Trò chơi Karuta có rất nhiều phiên bản, nhưng có ba bộ phổ biến nhất là Iroha Garuta, Uta Garuta và Hanafuda. Mỗi một bộ bài sẽ có nét đặc trưng riêng.

    • Iroha Garuta: đây là bộ bài có từ thời Edo và được thiết kế để trẻ em học và ghi nhớ bảng chữ cái Hiragana. Bộ này có tất cả là 96 lá bài, trong đó có 48 lá có ghi tục ngữ được gọi là Yomifuda (読み札), những lá bài còn lại là những hình ảnh tượng trưng kèm với một chữ Hiragana ở bên trên góc phải được gọi là Torifuda (取り札) .
    • Uta Garuta: bộ này thường được chơi vào mỗi dịp tết tại Nhật Bản. Đây là một loại bài ngâm thơ và trên các lá bài được in các câu thơ có trong tập thơ cổ waka “Bách nhân nhất thủ - 百人一首”. Bởi vì các câu thơ được viết theo thể Tanka (thể thơ dài 5 câu với 35 âm tiết) nên đây sẽ là loại bài khó chơi nhất khi người chơi phải nhớ tất cả câu thơ trong 100 bài thơ.
    • Hanafuda: hay còn gọi là bài hoa Nhật Bản, rất phổ biến trong phim hoạt hình và truyện tranh. Mỗi bộ bài Hanafuda cơ bản có 48 lá bài, được chia làm 12 tháng, mỗi tháng lại có 4 lá bài được in các loại hoa, cây cối, động vật tượng trưng cho bốn mùa ở Nhật Bản. Cũng giống với bài tây, Hanafuda cũng chia làm bốn loại là Kasu (カス), Tanzaku (短冊), Tane (タネ) và Hikari (光). Hanafuda cũng là loại bài phức tạp trong các loại bài Karuta, tuy vậy cũng được người Nhật chơi để giảm căng thẳng sau khi làm việc.

    Ngày nay, trò chơi Karuta đã trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông và được người Nhật xem là một nét văn hóa nhằm thu hút khách du lịch và quốc tế. Ngoài ra, trò chơi Karuta còn được biết đến thông qua bộ phim hoạt hình nổi tiếng là Chihayafuru. Từ đó có thể thấy Karuta không chỉ nổi tiếng đối với người Nhật mà còn cả với người nước ngoài.

    Trò chơi con quay Koma

    Koma (こま) hay còn có tên gọi là con quay gỗ, là một trong những trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản. Trò chơi này có vài nét tương đồng với con quay ở Việt Nam và được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào Nhật Bản từ thời Edo. Ngày nay, trò chơi này vẫn đang rất thịnh hành tại xứ sở phù tang.  

    Koma - Trò chơi con quay rất được người Nhật yêu thích

    Koma - Trò chơi con quay rất được người Nhật yêu thích

    Koma tuy có rất nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau nhưng về mặt cấu tạo thí giống nhau và khá đơn giản. Con quay được làm từ gỗ và có một sợi dây thừng quấn quanh được gọi là Bei-goma (べいごま). Trong mỗi trận đấu của trò chơi con quay Koma sẽ có khoảng 5 người tham gia, buộc sợi dây vào con quay rồi ném chúng vào vòng tròn đã được định sẵn ở trên sân sao cho chúng có thể đẩy được con quay của các đối thủ khác ra ngoài vòng tròn. Con quay trụ được cuối cùng ở trong vòng tròn sẽ là người dành chiến thắng. Ngày nay, những con quay Koma được cải tiến hiện đại hơn như có thể phát sáng hoặc phát ra âm thanh.

    Trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản không chỉ đơn giản là các trò chơi giải trí, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Từ trò chơi Kendama và Karuta được trẻ em yêu thích cho đến trò chơi con quay,... tất cả đều có sự đa dạng không chỉ về loại hình, mà còn về kiểu chơi, cách thức chơi và số lượng người chơi cần thiết. Việc du lịch đến Nhật Bản không chỉ giúp bạn khám phá đất nước này với văn hóa độc đáo mà còn có cơ hội trải nghiệm các trò chơi dân gian đầy thú vị này. Hãy theo dõi Phuong Nam Education để biết thêm các thông tin hữu ích khác nhé. 


    Tags: Trò chơi dân gian phổ biến tại Nhật Bản, trò chơi tung bóng Kendama, trò chơi đánh cầu Hanetsuki, trò chơi Karuta, trò chơi con quay Koma, trò chơi dân gian Nhật Bản, du lịch Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản.

    TIN LIÊN QUAN

    Karakuri - Búp bê người máy của Nhật Bản
    04 THÁNG 05 Karakuri - Búp bê người máy của Nhật Bản

    Búp bê người máy Nhật Bản là loại búp bê rất thú vị, có nhiều kiểu dáng bắt mắt và cơ chế hoạt động gây tò mò cho...

     Những quy tắc trên bàn ăn Nhật Bản mà bạn nên biết
    25 THÁNG 08 Những quy tắc trên bàn ăn Nhật Bản mà bạn nên biết

    Nhật Bản nổi tiếng là đất nước có nền văn hóa ẩm thực đặc sắc. Vì thế, khi vào nhà hàng thưởng thức món ăn chúng ta...

    Tận hưởng lễ hội hoa anh đào Hanami Nhật Bản
    25 THÁNG 08 Tận hưởng lễ hội hoa anh đào Hanami Nhật Bản

    Để tham gia lễ hội Hanami của Nhật Bản một cách vui vẻ thì có một số điều cần đặc biệt lưu ý sau.Nhật Bản là một...

    Konosuke Matsushita -
    25 THÁNG 08 Konosuke Matsushita - "Người khổng lồ" trong lòng người Nhật

    Konosuke Matsushita dù có tuổi thơ không may mắn như bạn bè cùng trang lứa nhưng nhờ có triết lý sống lý tưởng, ông...

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN KHÓA HỌC

    Zalo chat